Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới, Phân Tích Và Nhận Định (Kỳ 3 - 4 kỳ cuối).
/ AtoZstock / 0 bình luận
Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới, Phân Tích Và Nhận Định (Kỳ 3)

Nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng là do bong bóng (tín dụng, bất động sản, chứng khoán, lạm phát, nợ …) được bơm thổi quá mức. Tâm lý con người thường có xu hướng thích sự ổn định và ngại thay đổi. Do đó, khi nền kinh tế thăng hoa với những chỉ số tốt đẹp, không ai muốn những điều tốt đẹp đó kết thúc. Rất nhiều người không nhìn thấy trước một sự sụp đổ sẽ diễn ra hoặc cố tình tránh né nó. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng khủng hoảng là chu kỳ tất yếu và không ai có thể thoát khỏi ảnh hưởng của một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Thay vì trốn tránh, chúng ta nên có những sự chuẩn bị tốt nhất để có thể an toàn giữa cuộc khủng hoảng và nắm bắt được những cơ hội mở ra trước mắt. Kỳ 3 của chuỗi bài viết “Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới – Phân Tích Và Nhận Định”, chúng ta sẽ xem các chuyên gia tài chính trên thế giới làm gì để có được sự chuẩn bị tốt nhất và an toàn giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới, Phân Tích Và Nhận Định

1.CẢI THIỆN NGUỒN TÀI CHÍNH CÁ NHÂN

Cần đa dạng hóa các nguồn thu nhập chứ không chỉ phụ thuộc vào một nguồn duy nhất. Rủi ro sẽ cao hơn nếu bạn đang là người làm công ăn lương, khả năng thất nghiệp là rất cao trong một cuộc khủng hoảng. Do đó, việc nâng cao các kỹ năng của bản thân để tăng tính cạnh tranh trong thị trường lao động là cần thiết. Hơn nữa, các cá nhân nên đầu tư vào việc đa dạng hóa bộ kỹ năng chuyên nghiệp của mình để có thể linh hoạt hơn trong thị trường lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh.

2.ĐƠN GIẢN HÓA LỐI SỐNG VÀ CHI TIÊU, NÂNG CAO NĂNG LỰC TỰ CHỦ

Cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết, đơn giản hóa lối sống là giải pháp thông minh giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế. Ngoài ra năng lực tự chủ sẽ giúp bạn vượt qua các khó khăn nhanh chóng với chi phí tiết kiệm nhất. Biết đâu trong quá trình “mày mò” của bản thân, bạn lại phát minh ra cái gì đó hay ho hay nghĩ ra một dịch vụ thiết yếu để cung cấp cho mọi người trong thời khủng hoảng thì sao.

3.TĂNG CƯỜNG PHÁT TRIỂN CÁC MỐI QUAN HỆ

Đương nhiên trong cơn khủng hoảng kinh tế thì ai cũng phải lo cho bản thân và gia đình họ trước. Tuy nhiên, nền tảng gia đình và các mối quan hệ tốt đẹp sẽ là chỗ dựa quan trọng trước những áp lực tài chính và nguy cơ phá sản hay thất nghiệp. Tích cực phát triển các mối quan hệ tốt sẽ giúp hình thành mạng lưới nơi mọi người có thể hỗ trợ lẫn nhau trước các biến cố, đây là bước chuẩn bị cần thiết để bạn đương đầu với khủng hoảng.

4.HÃY NHỚ RẰNG “ CASH IS KING – TIỀN MẶT LÀ VUA ”

Cụm từ “Cash Is King” được sử dụng rộng rãi bắt đầu vào mùa thu năm 2008. Trong thời kỳ suy thoái sau khủng hoảng tài chính, cụm từ này thường được sử dụng để mô tả giải pháp để các công ty có thể đối phó với nợ nần hoặc tránh phá sản. Hãy nhớ rằng để trang trải nợ nần hay nắm bắt một cơ hội đầu tư, điều kiện là bạn phải nắm giữ tiền mặt. Khi nhìn vào tài khoản một công ty, những con số phản ánh hiệu quả kinh doanh thực sự là những con số liên quan đến tiền mặt. Lựa chọn loại “Cash” phù hợp cũng là vấn đề quan trọng, tôi sẽ phân tích sâu hơn vấn đề này ở kỳ sau.

5.BẢO VỆ TIỀN TIẾT KIỆM

Bằng cách gửi chúng vào các ngân hàng toàn cầu có vốn hóa cao với các chính sách đầu tư thận trọng và có trách nhiệm, khả năng thanh toán và thanh khoản cao. Cần đảm bảo rằng hệ thống tài chính đang giữ tiền của bạn sẽ không bị vỡ nợ . Hãy chắc chắn rằng khoản tiết kiệm của bạn an toàn và luôn sẵn sàng khi bạn cần đến chúng.

6.GIẢM NỢ

Lãi suất sẽ biến động rất mạnh trong thời kỳ khủng hoảng. Trong quá khứ rất nhiều người đã phá sản vì không đủ khả năng trang trải các khoản nợ với lãi suất tăng đột biến. Bằng cách thực hiện lối sống đơn giản hơn, cải thiện dòng tiền cá nhân và bán đi các tài sản không cần thiết, bất kỳ khoản tiền tiết kiệm cá nhân nào cũng có thể được sử dụng để trả các khoản nợ hiện tại. Trình tự giảm nợ: các khoản nợ phát sinh lãi suất cao hơn trong thời hạn ngắn hơn nên được ưu tiên xử lý trước các hình thức nợ khác.

7.ĐẦU TƯ VỚI ĐÒN BẨY THẤP

Hãy cẩn trọng trước các quyết định đầu tư của bạn và hạn chế tối đa việc vay tiền để đầu tư. Đòn bẩy tài chính luôn là con dao hai lưỡi, sẽ rất hiệu quả nếu việc đầu tư của bạn sinh lời tốt và ổn định với chi phí vay thấp. Tuy nhiên, giữa cuộc khủng hoảng lãi suất sẽ biến động rất mạnh, việc lạm dụng đòn bẩy sẽ khiến nguy cơ vỡ nợ rất cao nếu lợi nhuận mang về không đủ để trang trải nợ và lãi vay.

8.TÌM KIẾM VÀ CHUYỂN DỊCH SANG NHỮNG MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ TỐT HƠN

Điều đầu tiên các chính phủ phá sản làm khi khủng hoảng nổ ra là tăng gánh nặng thuế lên công dân của họ và cố gắng thu giữ càng nhiều tài sản càng tốt. Do đó, nếu có thể, hãy chuyển đến nơi có chính sách thuế tốt hơn hoặc cơ cấu doanh nghiệp của bạn với các công ty nước ngoài có thể tận dụng lợi thế này. Đừng chờ đợi một phép màu hay kỳ vọng các chính phủ sẽ giải cứu bạn bởi vì họ còn phải giải quyết vấn đề của họ là chi trả các khoản nợ chính phủ đến hạn.

Hầu hết mọi người tránh né hoặc chối bỏ nguy cơ của một cuộc khủng hoảng, bởi vì họ sợ phải đối mặt với nó. Các chính phủ chối bỏ khủng hoảng vì họ không muốn điều đó xảy ra trong nhiệm kỳ của họ, họ sẽ cố gắng trì hoãn khủng hoảng lâu nhất có thể bằng các chính sách can thiệp như in thêm tiền, tuy nhiên điều này chỉ làm cho bong bóng phình to thêm và hậu quả nặng nề hơn.

Khủng hoảng kinh tế là quy luật tự nhiên tất yếu và trong nguy luôn có cơ. Đối với nhiều người, khủng hoảng tài chính lại là một dịp may hiếm có để tích lũy tài sản và vươn đến những đỉnh cao, điều quan trọng là bạn có nhận thấy cơ hội và dám chấp nhận mạo hiểm để nắm bắt lấy hay không.

nguồn Investing --- https://vn.investing.com/analysis/khung-hoang-kinh-te-the-gioi-phan-tich-va-nhan-dinh-ky-3-1000

Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới, Phân Tích Và Nhận Định (Kỳ Cuối)

Khủng hoảng kinh tế là quy luật tất yếu và mang tính chu kỳ. Qua các bài viết trước chúng ta đã phân tích những dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng kinh tế mới và tìm hiểu những cách bảo vệ bản thân an toàn giữa cuộc khủng hoảng. Ngoài những thảm họa và rủi ro, khủng hoảng kinh tế còn mang lại những cơ hội hiếm có cho những người biết nắm bắt cơ hội. Bài cuối cùng trong loạt bài “Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới, Phân Tích Và Nhận Định”, chúng ta sẽ tìm hiểu về “Những Cơ Hội Giữa Một Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế”.

Trong cơn khủng hoảng, hầu hết các nhà đầu tư hoảng loạn khi phải chứng kiến tài sản của họ bị giảm giá mạnh mỗi ngày. Còn đối với những nhà đầu tư có đầu óc lạnh lùng thì việc săn tìm những tài sản bị bán tháo với giá rẻ và mua chúng cũng tương tự như việc tham gia vào một đợt “Sales-Off” hàng tiêu dùng. Dưới đây là một số loại tài sản tiềm năng mà bạn có thể đầu tư với mức giá rất hời.

1.CỔ PHIẾU: theo một nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Ned Davis sau khi xem xét 28 cuộc khủng hoảng toàn cầu trong hàng trăm năm qua, từ cuộc xâm lược của Đức vào Pháp trong Thế chiến II đến các cuộc tấn công khủng bố như sự kiện 11/9. Mỗi lần, thị trường phản ứng thái quá và giảm quá sâu chỉ là để phục hồi ngay sau đó. Rất nhiều nhà đầu tư đã bán tháo vì họ sợ rằng phải mua lại danh mục đầu tư của họ với giá cao hơn. Trong khi các nhà đầu tư thông minh nhận ra thị trường luôn luôn phản ứng một cách thái quá, họ canh mua vào các cổ phiếu với giá hời và kiên nhẫn chờ đợi thị trường phục hồi theo đúng chu kỳ.

Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới, Phân Tích Và Nhận Định


2.BẤT ĐỘNG SẢN: tương tự như cổ phiếu, thị trường bất động sản cũng diễn biến tương tự khi một cuộc khủng hoảng xảy ra. Suy thoái kinh tế chứng kiến ​​sự sụp đổ của giá nhà đất khi bong bóng thị trường vỡ tung. Những người mất khả năng thanh toán khoản vay thế chấp nhà bị tịch thu, số tiền thế chấp vay ngân hàng vượt quá giá trị vốn chủ sở hữu tài sản. Đây chính là cơ hội để nhứng người mua nhà để ở và những nhà đầu tư bất động sản có thể mua được tài sản thực với giá trị dưới mức giá thông thường, và có thể tận hưởng lợi nhuận cao khi thị trường nhà đất ổn định và phục hồi.

Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới, Phân Tích Và Nhận Định


3.TIẾP QUẢN/THÂU TÓM CÁC CÔNG TY TỐT: rất nhiều công ty bị vùi dập trong một cuộc suy thoái kinh tế. Giá cổ phiếu giảm sâu làm cho các công ty trở nên yếu ớt và dễ dàng bị thâu tóm. Mua lại các công ty tốt với mức giá thấp là một chiến lược tuyệt vời trong cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, cần bảo đảm công ty bạn dự định mua phải thực sự sở hữu những nguyên tắc căn bản tốt.

4.ĐÁNH CƯỢC VÀO CUỘC KHỦNG HOẢNG: ngoài việc kiếm lợi nhuận bằng việc săn mua tài sản/công ty với mức giá thấp, bạn cũng có thể đánh cược vào việc khủng hoảng sẽ xảy ra bằng cách bán khống (Short – Sell) cổ phiếu hoặc các chỉ số tương lai. Đó là một cách hay để tìm kiếm lợi nhuận trong thị trường Bearish (thị trường Gấu). Chiến lược tương tự có thể được sử dụng trong thị trường trái phiếu và hàng hóa. Việc đánh cược này đòi hỏi sự kỷ luật và một tinh thần thép để tránh những phản ứng thái quá. Ngoài ra, bạn cũng cần đến sự may mắn. Đối với những cá nhân chỉ đơn giản là tìm cách để bảo vệ bản thân khỏi khủng hoảng và không nhất thiết phải đặt cược vào sự kiện xảy ra, việc sở hữu một danh mục đầu tư đa dạng, bao gồm các loại tài sản ít liên quan với nhau, có thể giúp giảm bớt thiệt hại giữa cơn bão khủng hoảng.

Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới, Phân Tích Và Nhận Định


Rất nhiều người không tin vào việc một cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra và hoàn toàn không có sự chuẩn bị nào. Khi cuộc khủng hoảng bắt đầu diễn biến xấu, thay vì phải bình tĩnh hành động cho hợp lý thì họ lại phản ứng thái quá và bán tháo tất cả tài sản với giá rẻ mạt trong cơn hoảng loạn. Hành động của họ đã bị cảm xúc chi phối. Đương nhiên, đầu tư vào một cuộc khủng hoảng luôn tiềm ẩn những rủi ro rất lớn, và chỉ các nhà đầu tư với cái đầu lạnh, kiên định cùng phương pháp đúng đắn mới gặt hái thành công và tích lũy được nhiều tài sản. Đối với họ, khi thị trường sụp đổ sẽ là một dịp may hiếm có để đạt đến đỉnh cao trong cuộc đời.

nguồn Investing --- https://vn.investing.com/analysis/khung-hoang-kinh-te-the-gioi-phan-tich-va-nhan-inh-ky-cuoi-1236


Blog Chứng khoán - AtoZstock " Giá cổ phiếu tăng hay giảm phụ thuộc vào sự thay đổi nhận thức của thị trường về lợi nhuận của cổ phiếu trong tương lai và mức độ tin tưởng vào khả năng đạt được doanh thu đó của các nhà đầu tư " - Chiến Lược Đầu Tư Chứng Khoán

THAM GIA TRANH TOP BÌNH LUẬN NGAY!

Một số lưu ý khi bình luận

Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước (xem nội quy).

Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời.

Bạn có thể dùng ảnh động hoặc mã hóa code HTML để bình luận.