Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới, Phân Tích Và Nhận Định (Kỳ 1-2)
/ AtoZstock / 0 bình luận

Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới, Phân Tích Và Nhận Định (Kỳ 1)

Nền kinh tế toàn cầu đang nhen nhóm một cuộc Đại khủng hoảng và suy thoái với những dấu hiệu ngày càng rõ rệt. Khủng hoảng tài chính là một thành phần tất yếu của nền kinh tế trong bất kỳ giai đoạn nào. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, dù muốn dù không thì chúng ta cũng phải đối mặt với khủng hoảng, không sớm thì muộn. Trước mỗi cơn bão luôn có những dấu hiệu nhận biết, vấn đề là chúng ta cần những phân tích, đánh giá và dự báo chuẩn xác để hạn chế tối đa tổn thất và tìm kiếm cơ hội ngay trong tâm bão.

Bài đầu tiên trong chuỗi bài viết “Khủng hoảng kinh tế thế giới, phân tích và nhận định”, chúng ta sẽ nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất là khủng hoảng 2007 - 2009 xuất phát từ Hoa Kỳ và sau đó lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, dẫn tới những đổ vỡ tài chính, suy thoái ở nhiều nước trên thế giới.

NGUYÊN NHÂN

Sau sự bùng nổ của bong bóng công nghệ và suy thoái kinh tế vào đầu những năm 2000, Cục Dự trữ Liên bang Fed đã giữ lãi suất ngắn hạn ở mức thấp trong một thời gian dài. Điều này trùng hợp với tình trạng tiết kiệm toàn cầu, khi các nước đang phát triển và các quốc gia sản xuất hàng hóa tích lũy dự trữ tài chính lớn. Khi những khoản tiết kiệm vượt mức này được đầu tư, lãi suất toàn cầu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Thất vọng với lợi nhuận thấp, các nhà đầu tư bắt đầu chấp nhận rủi ro nhiều hơn bằng cách tìm kiếm lợi nhuận cao hơn tại bất cứ kênh đầu tư nào họ có thể tìm thấy. Trong vài năm, thị trường tài chính toàn cầu bước vào giai đoạn được gọi là "Great Modulation - Điều tiết lớn".

Tại Hoa Kỳ, Great Modulation trùng hợp với sự bùng nổ nhà ở, khi giá cả tăng vọt (đặc biệt là bên bờ biển và tại các thành phố như Phoenix và Las Vegas). Giá nhà tăng dẫn đến đầu cơ bất động sản tràn lan, và cũng thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng quá mức khi mọi người bắt đầu xem nhà của họ như một con heo đất mà họ có thể trích tiền mặt để tiêu dùng tùy ý. Khi giá nhà tăng vọt và nhiều chủ nhà nới rộng thời hạn thanh toán khoản vay thế chấp, khả năng sụp đổ tăng lên. Tuy nhiên, mức độ rủi ro thực sự đã bị che giấu vì rất nhiều khoản thế chấp đã được chứng khoán hóa và xếp hạng AAA.

SAU CÙNG, GIÁ NHÀ ĐẤT SỤP ĐỔ

Khi niềm tin rằng giá nhà không giảm là không chính xác, giá chứng khoán được thế chấp giảm mạnh, gây ra tổn thất lớn cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác. Những tổn thất này nhanh chóng lan sang các loại tài sản khác, thúc đẩy cuộc khủng hoảng niềm tin của nhiều ngân hàng lớn nhất thế giới. Các sự kiện đã đạt đến đỉnh điểm với sự phá sản của Lehman Brothers vào tháng 9 năm 2008, dẫn đến tình trạng đóng băng tín dụng đã đưa hệ thống tài chính toàn cầu đến bờ vực sụp đổ hoàn toàn.

Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới, Phân Tích Và Nhận Định


Các hành động khẩn cấp chưa từng có của ngân hàng trung ương kết hợp với kích thích tài khóa (đáng chú ý là ở Mỹ và Trung Quốc) đã giúp giảm bớt một số sự hoảng loạn trên thị trường, nhưng vào cuối năm 2009, có tin đồn rằng Citigroup Inc., Bank of America Corp (NYSE:BAC) và các ngân hàng lớn khác sẽ phải được quốc hữu hóa để nền kinh tế toàn cầu tồn tại. May mắn thay, các hành động can thiệp của các chính phủ trên khắp thế giới cuối cùng đã giúp tránh sự sụp đổ tài chính, nhưng việc đóng băng tín dụng đã buộc nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.

Cuộc khủng hoảng tín dụng và suy thoái kinh tế đi kèm gây ra biến động chưa từng có trên thị trường tài chính. Cổ phiếu giảm hơn một nửa từ mức cao vào tháng 10 năm 2007 đến mức thấp vào tháng 3 năm 2009, (S & P 500 đã giảm 57,8% từ mức cao nhất trong ngày là 1.576,1 vào ngày 11 tháng 10 năm 2007 xuống mức thấp 666,8 vào ngày 6 tháng 3 năm 2009). Thị trường thu nhập cố định cũng cho thấy sự biến động chưa từng thấy, với thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự báo phá sản ở một mức độ chưa từng thấy kể từ cuộc Đại khủng hoảng. Giá dầu giảm hơn hai phần ba.

QUÁ TRÌNH KHẮC PHỤC HẬU QUẢ LÂU DÀI

Các nhà đầu tư và người tiêu dùng phải sống với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính trong nhiều năm sau đó. Nhiều nước phát triển cũng phải gánh chịu ​​sự suy giảm đáng kể vị thế tài chính của họ. Các hành động của chính phủ đã giúp ngăn chặn kết quả tồi tệ nhất nhưng ​​cuộc khủng hoảng tín dụng, thâm hụt ngân sách lớn là một vấn đề phải mất nhiều năm để giải quyết hậu quả.

BÀI HỌC

Cuối cùng thì các nhà đầu tư đã trải qua giai đoạn thị trường đầy biến động và đáng sợ nhất trong cuộc đời họ. Những bài học tích cực có thể học được từ cuộc khủng hoảng, như tầm quan trọng của đa dạng hóa và phân tích độc lập, nhưng cũng có những hiệu ứng về cảm xúc phải được xem xét. Cụ thể, các nhà đầu tư phải nhớ rằng các sự kiện của cuộc khủng hoảng là bất thường và khó lặp đi lặp lại; trong khi sự tham lam hoặc sợ hãi quá mức trong thị trường tài chính là không phù hợp. Các nhà đầu tư có thể kết hợp các bài học của cuộc khủng hoảng mà không bị cảm xúc ảnh hưởng quá mức sẽ định vị tốt nhất cho việc đầu tư thành công trong tương lai.

nguồn Investing --- https://vn.investing.com/analysis/khung-hoang-kinh-te-the-gioi-phan-tich-va-nhan-dinh-ky-1-868

Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới, Phân Tích Và Nhận Định (Kỳ 2)

Tất cả các cuộc khủng hoảng kinh tế đều mang lại những hậu quả rất nặng nề trong quá khứ. Nhà nghiên cứu Boris Borisov, trong bài viết có tựa đề "The American Famine" ước tính số nạn nhân của cuộc khủng hoảng tài chính 1929 – 1933 tại Mỹ là hơn 7 triệu người. Sau khi điều chỉnh số lượng tỷ lệ dân số, và tỷ lệ sinh của Mỹ, xuất nhập cảnh, các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng Hoa Kỳ đã mất hơn 7 triệu sinh mạng trong nạn đói 1932-1933 gây ra bởi cuộc khủng hoảng. Hay khủng hoảng tài chính 2007- 2009 đã khiến thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm 46% giá trị chỉ trong năm 2008. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, chỉ riêng trong quý 1 năm 2008, Vn-index đã sụt giảm gần 70% kéo theo hàng chục nghìn tỷ đồng vốn hóa “bốc hơi” khỏi thị trường.

Người ta thường nói rằng cứ sau 10 năm lại có một cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Đã hơn một thập kỷ kể từ khi vụ sụp đổ của Lehman Brothers gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối cùng. Thời điểm hiện tại, với sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu giảm dần, một số phương tiện truyền thông và chuyên gia kinh tế đang dự báo một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong tương lai rất gần. Bài thứ hai trong chuỗi bài viết “Khủng hoảng kinh tế thế giới, phân tích và nhận định”, chúng ta sẽ tìm hiểu về những dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng kinh tế từ nhận định của các chuyên gia quốc tế.

1.CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG QUỐC

Có thể nói, sự kiện kinh tế - chính trị nổi bật nhất trong năm 2018 chính là cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc do Tổng thống Donald Trump phát động. Những chính sách thuế quan đánh vào hàng hóa của hai nước có tác động rất lớn đến thương mại toàn cầu và chắc chắn sẽ khiến tăng trưởng kinh tế bị cắt giảm.

2.ĐƯỜNG CONG LỢI SUẤT ( THE YIELD CURVE )

Đường cong lợi suất (The Yield Curve) thể hiện chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm (do đó còn được gọi là “chênh lệch-Spread”). Suốt năm thập kỷ qua, đường cong lợi suất trở thành công cụ tiên đoán khủng hoảng rất chính xác. Cứ mỗi lần đường cong lợi suất bị phẳng ra (tức chênh lệch bằng 0), khủng hoảng xuất hiện. Đó là trường hợp của các năm 1989, 2001, và 2007. Thời điểm hiện tại, đường cong lợi suất đã bắt đầu bị san phẳng.

3.THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Thị trường chứng khoán giảm có thể báo hiệu một cuộc suy thoái xuất hiện. Thị trường đã giảm rất mạnh trước cuộc suy thoái năm 2001 và sụt giảm khi bắt đầu cuộc suy thoái năm 2008. Vào tháng 10/2018, chuyên gia tài chính Diego Zuluaga trên Focus Economics đã cảnh báo về việc có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có thể sắp đạt đỉnh theo chu kỳ: Thất nghiệp ở mức thấp trong 50 năm và lạm phát đã vượt quá mục tiêu 2% trong 12 tháng của Cục Dự trữ Liên bang Fed - cả hai dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang hoạt động hết công suất. Thị trường chứng khoán đã bắt đầu một giai đoạn điều chỉnh giảm từ mức cao nhất mọi thời đại.

Sự bùng nổ bong bóng thị trường chứng khoán có thể sẽ khiến các công ty cân nhắc lại kế hoạch mở rộng hoạt động, giảm thuê thêm nhân công hoặc việc cải thiện sản phẩm dịch vụ của họ. Điều này sẽ ngăn dòng tài chính chảy vào nền kinh tế Mỹ và trở thành tiền thân của suy thoái kinh tế.

4.BONG BÓNG TÍN DỤNG

Theo Giáo sư Arthur Guarino Đại học Rutgers, người tiêu dùng Mỹ đang nợ thẻ tín dụng 1,03 nghìn tỷ đô la, ngoài ra là các khoản vay mua xe hơi với tổng trị giá hơn 1 nghìn tỷ đô la và các khoản vay cho sinh viên đã vượt quá 1 nghìn tỷ đô la nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại. Các bong bóng tín dụng này là một rủi ro rất lớn và có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính bao gồm các lĩnh vực như thương mại điện tử, bán lẻ, xe hơi, giáo dục ...

Còn tại các quốc gia như Úc, Canada, Thụy Sĩ và Hàn Quốc, tình hình nợ hộ gia đình hiện tại đang tăng trưởng rất mạnh mẽ.

5.BREXIT

Theo nhận định của các chuyên gia, Brexit hoàn toàn có thể trở thành một thảm họa toàn cầu tiếp theo xảy ra trong thế kỷ 21. Brexit có thể sẽ kích hoạt một cuộc di chuyển tiền mặt khổng lồ từ các thị trường lớn trên thế giới về Anh và ngược lại, động thái này một khi xảy ra có thể sẽ dẫn đến sự tê liệt của thị trường tài chính và ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia.

6.THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

Ở bài viết “Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới, Phân Tích Và Nhận Định (Kỳ 1)”,chúng ta đã thấy được những ảnh hưởng của thị trường bất động sản khi giá nhà đất tại Hoa Kỳ sụp đổ vào năm 2007 - 2008 đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế với những hậu quả nặng nề. Ở thời điểm hiện tại, giá bất động sản toàn cầu đang suy giảm mạnh. Đặc biệt là tại Úc, giá nhà đất đang suy giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần nhất.

Trên đây là một số dấu hiệu nhen nhóm một cuộc khủng hoảng kinh tế mới theo nhận định của các chuyên gia kinh tế quốc tế. Hầu hết chúng ta đều không mong muốn một cuộc khủng hoảng, tuy nhiên đó là điều không thể tránh khỏi. Thay vì quá lo lắng, chúng ta cần bình tĩnh nhận định, lên kế hoạch sớm để vượt qua cuộc khủng hoảng, hạn chế tối đa tổn thất và tìm kiếm những cơ hội.

nguồn Investing --- https://vn.investing.com/analysis/khung-hoang-kinh-te-the-gioi-phan-tich-va-nhan-dinh-ky-2-922


Blog Chứng khoán - AtoZstock " Giá cổ phiếu tăng hay giảm phụ thuộc vào sự thay đổi nhận thức của thị trường về lợi nhuận của cổ phiếu trong tương lai và mức độ tin tưởng vào khả năng đạt được doanh thu đó của các nhà đầu tư " - Chiến Lược Đầu Tư Chứng Khoán

THAM GIA TRANH TOP BÌNH LUẬN NGAY!

Một số lưu ý khi bình luận

Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước (xem nội quy).

Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời.

Bạn có thể dùng ảnh động hoặc mã hóa code HTML để bình luận.