“ Tại sao giá cổ phiếu X tăng/giảm? ” là câu hỏi thiếu suy nghĩ mà chúng ta thường đặt ra nhất.
/ AtoZstock / 0 bình luận

“ Tại sao giá cổ phiếu X tăng/giảm? ” là câu hỏi thiếu suy nghĩ mà chúng ta thường đặt ra nhất.

Nhiều năm tiếp xúc với các nhà đầu tư cá nhân và cả giới đầu tư tài chánh chuyên nghiệp, chúng tôi đúc kết được rằng cho dù một người thông minh, chuyên nghiệp và giàu có đến thế nào đi chăng nữa, anh ta cũng không thể nào tránh được các cạm bẫy tâm lý ( psychological biases ) rất căn bản của loài người – nếu anh ta không có tư duy và cách tiếp cận đúng đắn đối với thị trường nói chung và giá cổ phiếu nói riêng …

“ Tại sao giá cổ phiếu X tăng/giảm? ” là câu hỏi thiếu suy nghĩ mà chúng ta thường đặt ra nhất.


Ngài Peter Lynch từng có câu châm ngôn nổi tiếng: “ Đằng sau mỗi cổ phiếu luôn là một doanh nghiệp đang kinh doanh. Và chỉ có 1 lý do khiến cổ phiếu tăng: doanh nghiệp đứng sau làm ăn tốt hơn, hoặc tăng trưởng mạnh từ công ty nhỏ lên quy mô khổng lồ. ” Dù vậy, hầu hết cá nhân chúng ta tham gia thị trường đều coi cổ phiếu như một “ mã số đánh cược ” xanh, đỏ, tím, vàng mỗi ngày, tin rằng chúng được điều khiển bởi những thế lực ngầm hoặc tin tức bí mật mà không ai được biết (!) Vâng suy nghĩ này thì cũng đúng ở một góc độ nào đó, nhưng nếu ta tiếp cận công việc đầu tư ( investment ) với tư duy đánh bạc, ta sẽ được trả lại đúng kết quả mà một gã cờ bạc nhận về: đó là 0.1% CAGR tính trung bình 100 năm(*), theo thống kê của ngài Jack Bogle, sáng lập Vanguard.

Lạ lùng thay, khi ta tư duy sai, ta dễ lâm vào việc đi tìm những vấn đề sai, đặt ra những câu hỏi sai, nhận về những câu trả lời sai, và từ đó chu trình trên lại tiếp tục củng cố ( reinforce ) cho tư duy sai ban đầu của ta. Trong số đó, một trong những câu hỏi sai lầm phổ biến nhất mà chúng tôi quan sát thấy được ở không chỉ NĐT cá nhân mà cả một số nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp (?!) mỗi khi giá cổ phiếu tăng hoặc giảm mạnh bao gồm:

– Vì sao cổ phiếu X lại tăng trần/giảm sàn phiên qua ?

– Cổ phiếu X có “tin” gì không mà tăng/giảm thế kia ?

  Sao cổ phiếu X tăng/giảm mạnh thế nhỉ, tôi không thể hiểu được !

Vâng có lẽ nếu nhà đầu tư chúng ta nghĩ rằng mình có thể nắm bắt được mọi biến động giá cổ phiếu trong ngắn  hạn, thì bài viết nầy của chúng tôi quả thực có độ cần thiết trên hết mọi sự ...

I. 3 lý do khiến các câu hỏi về giá cổ phiếu trên thể hiện tư duy lệch lạc

Khi đặt những câu hỏi dạng trên, những NĐT cá nhân chúng ta tự thể hiện mình trong vô thức với những người xung quanh rằng: thứ nhất, chúng ta không nhận thức rõ về chiến lược đầu tư của bản thân ( dài hạn hay ngắn hạn ), từ đó không hiểu rõ bản thân mình muốn gì, thậm chí không biết rằng người mình đang hỏi thuộc dạng nào; thứ hai, ta không biết rõ giới hạn năng lực của bản thân, nghĩ rằng mình có thể kiểm soát và hiểu biết hết thảy mọi thứ biến động về giá cổ phiếu; cuối cùng, ta không kiểm soát được tâm lý của bản thân, mất ăn mất ngủ, lo lắng trầm cảm, hoặc hưng phấn, tiếc nuối quá mức vì giá cổ phiếu biến động trong ngắn hạn, dẫn đến hậu quả là những hành vi mua bán sai lầm tiếp theo đó (!)

Vì lẽ nầy, có 3 lý do khiến chúng tôi tin rằng các câu hỏi dạng trên lệch lạc về mặt bản chất:

(1) Ta không phân biệt được đâu là động lực ngắn hạn hay dài hạn của giá cổ phiếu, thậm chí không nhận thức được tư duy ngắn hạn/dài hạn của chính ta và người được hỏi.

Ngài Benjamin Graham – cha đẻ của công việc phân tích chứng khoán và đầu tư giá trị – đã từng có một câu châm ngôn triết lý và đúng đắn làm sao: “ Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán là một cỗ máy bình chọn ( voting machine ) theo số đông. Nhưng trong dài hạn, nó luôn là một bàn cân ( weighing machine ) lí trí và lạnh lùng. ” Hơn thế nữa, chúng tôi bổ sung thêm rằng: trong ngắn hạn, ở một thị trường cận biên như Việt Nam, đôi khi giá cổ phiếu trong ngắn hạn còn không được bình chọn bởi số đông, mà thậm chí bị thao túng bởi một số ít – số đó thường là người nội bộ, tổ chức tài chánh hoặc cổ đông lớn.

“ Tại sao giá cổ phiếu X tăng/giảm? ” là câu hỏi thiếu suy nghĩ mà chúng ta thường đặt ra nhất.


Những NĐT giá trị am hiểu luôn biết rằng động lực ngắn hạn và dài hạn (short-term and long-term drivers) của giá cổ phiếu gần như khác nhau một trời một vực! Trong khi giá cổ phiếu ngắn hạn có thể bị tác động bởi muôn vàn những nguyên nhân vĩ mô, vi mô, tâm lý đám đông và những thế lực thao túng khác nhau – thứ chúng tôi sẽ bàn ở phần II, động lực dài hạn của cổ phiếu luôn luôn xoay quanh 2 vấn đề cực kỳ căn bản như câu châm ngôn của ngài Peter Lynch ở đầu bài vậy… Vì lẽ đó, NĐT giá trị thông minh luôn tập trung vào phân tích động lực thứ hai, và cố gắng tận dụng động lực thứ nhất sao cho họ được lợi nhất.

Ngoài ra, việc đặt câu hỏi nầy còn phụ thuộc rất nhiều vào tư duy đầu tư của chính chúng ta và người trả lời ( the answerer ). Nếu như một người tự nhận mình là một nhà đầu tư giá trị đích thực, ấy vậy mà anh ta lại đi đặt câu hỏi “ tại sao cổ phiếu X trần/sàn trong phiên giao dịch hôm qua ”, thì anh ta nên tự thấy xấu hổ về bản thân trước mặt người đối diện. Ngược lại, nếu anh ta chủ trương đầu cơ lướt sóng ngắn hạn, mà anh ta lại đi hỏi một nhà đầu tư giá trị có tư duy dài hạn rằng “ lý do gì mà cổ phiếu X tăng trần suốt một tuần qua vậy? ”, thì anh ta vừa thiếu tôn trọng NĐT giá trị đó, vừa hạ thấp chính bản thân mình.

(2) Giá cổ phiếu được quyết định trực tiếp bởi cung/cầu của hàng vạn người khác nhau, vì lẽ đó bất cứ câu trả lời nào cũng chỉ là giả định ( assumption ) thay vì là câu trả lời chính xác.

Như vậy, nếu bất cứ kẻ nào ba hoa rằng hắn ta có câu trả lời cho giá cổ phiếu chính xác nhất, có tin tức thực sự nhất đi chăng nữa, thì đó đơn thuần chỉ là một giả định/thuyết âm mưu/suy luận của một cá nhân nhỏ bé mà độc giả có thể tìm thấy ở bất cứ diễn đàn hay câu chuyện ở quán cafe nào. Bằng lý lẽ gì mà gã đó tin rằng hắn có thể đọc được suy nghĩ của 10,000 người khác nhau, với hàng nghìn lệnh giao dịch đặt trái ngược nhau? !

 Vì vậy, khi ta nhọc công đi đặt câu hỏi để nhận về một giả định mà ta cũng chẳng thể biết rằng nó chính xác hay không, thì khả năng cao câu hỏi của chúng ta không cần thiết, mà thậm chí còn lãng phí thời gian quý báu …

(3) Biến động của giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại không hề là thứ để chỉ dẫn ta hành động thuận theo xu hướng đó ( tức: mua khi tăng, bán khi giảm )

Khi cổ phiếu tăng giá mạnh, người ta thường hỏi tại sao nó tăng để lao vào tranh mua, sợ bỏ lỡ mất một cơ hội gì đó … Còn khi cổ phiếu giảm giá mạnh, người ta cuống cuồng lên, đến mất ăn mất ngủ, tìm mọi người mà họ biết để tư vấn xem vì lí do gì mà cổ phiếu lại giảm, họ có nên bán cắt lỗ không hay chờ đợi tiếp, họ sợ phải đối mặt với nỗi đau của mình …

Tác động từ giá cổ phiếu đến tâm lý của ta có thể trở thành một siêu hiệu ứng kết hợp tâm lý ( lollapalooza effect ) theo lời của ngài Munger: khiến ta vừa bị đám đông  ảnh hưởng ( social proof ), hiểu sai về nhân quả ( misunderstanding cause & effect ), trở nên áp lực ( stress-influence ), rồi hành động sai do não bộ ta xóa đi các nghi ngờ để quyết định nhanh, giảm thiểu nỗi đau hoặc sợ bỏ lỡ cơ hội tăng giá ( doubt-avoidance tendency ).

Vì lẽ nầy, chúng tôi thường dặn các nhà đầu tư cá nhân nên hạn chế xem bảng điện và các kênh báo chí giật gân không cần thiết, nhiều nhất chỉ nên xem giá cổ phiếu 1 lần/ngày vào lúc thị trường đóng cửa nếu ta không có giao dịch gì (!) Khi ta thực hiện một công việc vô nghĩa nhiều, nó sẽ trở thành một thói quen ( habit ), và thói quen xấu đó sẽ tạo điều kiện để não bộ ta dễ lâm vào các bẫy tâm lý rất thường gặp ở trên.

Quý độc giả thử tưởng tượng rằng mình có một lô đất có giá thị trường hiện tại 20 tỷ mà ta biết chắc rằng khả năng rất cao nó có thể tăng lên 50 - 60 tỷ một vài năm sau nhờ các dự án hạ tầng đang hoàn tất và vị trí đắc địa ngoài mặt tiền đường. Giả sử gã hàng xóm nhà bên quyết định bán lô đất cạnh bên với vị trí & diện tích tương đương đi với giá 15 tỷ, rồi gã thứ hai cạnh đó bán vội đi với giá 10 tỷ, liệu quý độc giả có vội vàng rao tin và bán cho bất kỳ gã nào chào mua với giá 10 tỷ hay không?? Hầu như mọi nhà đầu tư giữ đất đều không hành động phi lí trí như thế, ấy vậy mà trên thị trường chứng khoán, nếu số cổ phiếu ta mua dù đại diện cho một doanh nghiệp triển vọng cách mấy, nếu chẳng may giảm xấp xỉ -50% ( có thể do thế lực thao túng chẳng hạn ), thì chúng tôi cho rằng hết thảy NĐT cá nhân chúng ta đã bán sạch đi bằng bất cứ giá nào rồi …

Vì thế, nếu một NĐT cá nhân suốt ngày lo lắng tìm nguyên nhân đằng sau biến động giá cổ phiếu, rồi định hướng hành động đầu tư của mình chỉ thuận theo xu hướng đó, thì không sớm thì chầy, anh ta sẽ nhận về kết quả đầu tư đáng thất vọng hơn bao giờ hết!

II. 2 loại động lực ngắn hạn và dài hạn của giá cổ phiếu

Đến đây, ắt hẳn nhiều độc giả đều phản ảnh: “ Sao các ông khó tánh đến thế? Đặt một câu hỏi tiêu khiển như trên thì có chi mà nghiêm trọng? ” Vâng đặt một câu hỏi như trên thì quả không quá nghiêm trọng, song như chúng tôi đã giải thích ở đầu bài: chúng ta chỉ hỏi các câu trên khi ta tư duy và tiếp cận thị trường sai; mà khi ta tư duy sai, ta hỏi các câu trên nhiều, ta lại càng củng cố cho tư duy sai của mình …

Cho nên trước tiên, chúng tôi muốn phân định và liệt kê rõ hai loại động lực ngắn hạn và dài hạn của giá cổ phiếu, từ đó giúp ta hiểu và tổng hợp ra được các câu hỏi hợp lí và xác đáng hơn.

“ Tại sao giá cổ phiếu X tăng/giảm? ” là câu hỏi thiếu suy nghĩ mà chúng ta thường đặt ra nhất.


Như quý độc giả thấy, trong ngắn hạn, có quá nhiều những tác nhân bên ngoài, vĩ mô và vi mô, đến mức một cá nhân khó thể nào tiếp cận được đến dữ liệu ( data ), chứ đừng nói có thể kiểm soát, hiểu rõ và cho ra được câu trả lời chính xác. Trong đó, có hai tác nhân mà ngay cả một tay thao túng cũng khó lòng mà kiểm soát được – đặc biệt ở trường hợp cổ phiếu có thanh khoản cao, chính là những tin tức tiêu cực/tích cực bất ngờ của doanh nghiệp và sự phi lí trí có hiệu ứng “ dây chuyền ” của đám đông.

Nhiều lần nói chuyện chia sẻ với những người môi giới chứng khoán, chúng tôi thường nghe họ than thở về một nghịch lý mỗi dịp TTCK giảm mạnh, họ luôn bị các khách hàng vô lí yêu cầu giải thích vì sao giá cổ phiếu lại giảm, một số trường hợp chỉ xuống “vài line” vỏn vẹn (!) Dù trong thâm tâm những brokers trên biết rằng mình không có câu trả lời, song họ không thể nào đáp lại “Tôi không biết!” với những vị khách hàng đang “hung hãn” được.

Oái oăm hơn, nghe kể chuyện từ một vài các chuyên gia làm việc ở các quỹ đầu tư, có cả các quỹ nước ngoài quản lý tối thiểu hàng trăm triệu USD, chúng tôi thấy nực cười ( ridiculous ) ra sao khi vị trưởng quản lý danh mục đầu tư thường xuyên yêu cầu các chuyên viên phân tích nhỏ nhoi của mình phải giải thích “ Tại sao VNIndex giảm hơn 20% từ đỉnh 1,200 điểm? ”, “ Tại sao cổ phiếu các anh chọn không tăng nổi 3 tháng qua?”, “Tại sao phiên hôm qua thị trường lại giảm 50 điểm??  (?!) Họ không nhận ra được các giới hạn của bản thân mình, họ tự tin quá mức rằng mình có thể kiểm soát mọi thứ, để rồi khi nó đi ngược lại với nhận định của họ, họ trở nên chua cay, phí phạm thời gian vào những vấn đề không thực sự cần thiết.

Ở một nơi khác, những nhà đầu tư giá trị mà biết vòng tròn giới hạn của bản thân, sẽ vô cùng thoải mái và kiên nhẫn trước mọi biến động của thị trường. Anh ta tập trung vào những gì anh ta có thể kiểm soát: bao gồm hoạt động kinh doanh và giá trị thực của doanh nghiệp. Từ đó, anh ta nhận ra các xu hướng dài hạn ( patterns ) mà ít người nhìn thấy, âu cũng vì những kẻ khác đang bận rộn giải thích những thứ hoàn toàn nằm ngoài khả năng của họ.

III. Kết luận: Hiểu bản thân, đặt câu hỏi đúng

Bài viết kỳ nầy dù chúng tôi biết sẽ làm nhiều người phật lòng, phẫn nộ, song chúng tôi tin rằng nó lại mang tính “ cách mạng ”, thay đổi toàn bộ các thói quen vô nghĩa của chúng ta trên thị trường. Thay vì đặt các câu hỏi thiếu suy nghĩ như trước, ta cần hiểu rõ động lực ngắn hạn/dài hạn của giá cổ phiếu, biết rõ giới hạn của bản thân và của người khác, từ đó tiếp cận thị trường đúng đắn hơn.

Tự vấn bản thân

– Trước hết, ta cần tự xác định rằng mình là một nhà đầu tư giá trị dài hạn hay một nhà đầu cơ lướt sóng ngắn hạn?

– Nếu tập trung vào dài hạn, liệu ta có đang tìm kiếm những động lực dài hạn của giá cổ phiếu, và ngược lại?

Nếu quý độc giả còn bị lẫn lộn giữa hai thứ trên, thì xin đừng đặt bất cứ câu hỏi nào về giá cổ phiếu. Nó chỉ khiến chúng ta thêm xấu hổ về bản thân và thiếu tôn trọng với người được hỏi.

Đặt câu hỏi đúng

Đôi khi sự biến động của giá thị trường là báo hiệu cho một sự kiện nào đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc đơn thuần chỉ là sự mua vào/chốt lời dựa trên định giá của cổ phiếu và thị trường nói chung. Do chúng tôi không phải là người đầu cơ ngắn hạn, nên nếu như có bất kỳ biến động mạnh nào về giá cổ phiếu khiến chúng tôi lo ngại, chúng tôi sẽ tự hỏi bản thân hoặc người khác 2 câu như sau:

– Liệu rằng có bất kỳ nhân tố cơ bản nào về kinh doanh của công ty bị thay đổi đáng kể hay không? Ngành nghề, lợi thế cạnh tranh, ban lãnh đạo hay tình hình tài chánh của doanh nghiệp?

– Định giá của cổ phiếu đang như thế nào? Liệu có đang quá cao, vừa phải hay quá rẻ mạt?

Khi ta có được câu trả lời xác đáng cho hai câu hỏi trên, vốn là những nhân tố ta có thể phân tích hợp lý, kĩ lưỡng và có thể kiểm soát được, rồi từ đó ta có thể biết phải hành động sao cho tương ứng. Và đây chính là lúc mà chúng ta tận dụng sự biến thiên của ngài Thị trường ( Mr. Market ) mà ngài Graham đã hằng căn dặn vậy!

Đưa họ xem bài viết nầy:

Vì vậy, đối với mỗi nhà đầu tư cá nhân, mỗi khi ta cảm thấy lo lắng hay hưng phấn về giá cổ phiếu trong 1 phiên hay một vài phiên gần nhất, vâng, hãy tự vấn bản thân và đọc lại bài viết nầy.

Đối với những người môi giới chứng khoán hay chuyên viên phân tích vất vả chịu áp lực mỗi khi khách hàng hay cấp trên của ta đặt những câu hỏi về giá cổ phiếu vô lý, xin đừng ngần ngại đưa họ xem bài viết nầy.

Đối với những chủ doanh nghiệp niêm yết thường xuyên gặp cổ đông đặt câu hỏi về giá cổ phiếu tại sao không tăng trong ngắn hạn, vâng xin hãy đưa họ xem bài viết nầy.

Lời cuối, như ngài Peter Lynch đã có câu châm ngôn vừa đơn giản và thâm sâu làm sao: “ Bạn cần phải nhớ rằng đằng sau mỗi cổ phiếu là một doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu doanh nghiệp tệ hại, giá cổ phiếu sẽ tệ đi. Nếu doanh nghiệp ngày càng tấn tới, chẳng có lý do gì mà giá cổ phiếu không tăng lên trong dài hạn cả! ” Vì thế, những người cố gắng quên đi nguyên lý trên, rồi đánh bạc với giá cổ phiếu, ắt sẽ nhận về kết quả thất vọng. Còn những nhà đầu tư hiểu đúng, sẽ vô cùng ung dung trước mọi biến thiên của thị trường. Rồi từ đó, anh ta không chỉ tận hưởng niềm vui trong quá trình đầu tư, mà còn nhận về mức sinh lãi kép đều đặn, trường kỳ …

nguồn Newslettervietnam --- https://newslettervietnam.com/tai-sao-gia-co-phieu-x-tang-giam-la-cau-hoi-thieu-suy-nghi/

(*) Theo thống kê của ngài Jack Bogle trong quyển “ The Little Book on Common Sense Investing ”, trung bình 100 năm từ 1900-2005, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết Hoa Kỳ trong rổ S&P500 tăng trưởng 9.6%, trong khi chỉ số S&P500 tăng 9.5%, suy ra giá cả TTCK gần như đi liền với tăng trưởng lợi nhuận ròng của các công ty trong dài hạn. Ông giải thích rằng con số chênh lệch 0.1% CAGR suốt 100 năm là kết quả trung bình của những kẻ đầu cơ chênh lệch giá ngắn hạn – quả đúng là một trò zero-sum game không hơn không kém!

“ Tại sao giá cổ phiếu X tăng/giảm? ” là câu hỏi thiếu suy nghĩ mà chúng ta thường đặt ra nhất.



Blog Chứng khoán - AtoZstock " Giá cổ phiếu tăng hay giảm phụ thuộc vào sự thay đổi nhận thức của thị trường về lợi nhuận của cổ phiếu trong tương lai và mức độ tin tưởng vào khả năng đạt được doanh thu đó của các nhà đầu tư " - Chiến Lược Đầu Tư Chứng Khoán

THAM GIA TRANH TOP BÌNH LUẬN NGAY!

Một số lưu ý khi bình luận

Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước (xem nội quy).

Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời.

Bạn có thể dùng ảnh động hoặc mã hóa code HTML để bình luận.