Thao túng chứng khoán và cái kết đắng. Đại khủng hoảng 1907
/ AtoZstock / 0 bình luận

Thao túng chứng khoán và cái kết đắng. Đại khủng hoảng 1907

Khi cả hệ thống tài chính bị mất niềm tin

Đại khủng hoảng 1907 đã làm cho thành phố New York cũng như cả hệ thống tài chính đứng trước nguy cơ phá sản như thế nào ?

Thao túng chứng khoán và cái kết đắng. Đại khủng hoảng 1907

Tất cả mọi rắc rối đều bắt đầu chỉ từ một phi vụ thao túng giá chứng khoán bất thành của 4 đại gia ngân hàng trong vòng chưa tới 20 ngày.

1. Kế hoạch của anh em nhà Heinze

Vào đầu tháng 10/1907, Otto Heinze-một nhà đầu cơ chứng khoán và quản lý công ty môi giới-phát hiện rằng lượng cổ phiếu đang được giao dịch của công ty United Copper vượt quá số cổ phiếu tự do giao dịch (free float) thực sự. Tình trạng này chỉ có thể xuất hiện nếu hoạt động bán khống đang diễn ra cực mạnh. Mà anh em nhà Heinze – F.Augustus Heinze và Otto Heinze- lại là cổ đông lớn nắm đa số cổ phiếu của United Copper. Như vậy, hầu hết lượng cổ phiếu đang bán khống trên thị trường chắc chắn phần lớn được mượn từ lượng cổ phiếu nhà Heinze đang sở hữu.

Từ tình trạng này, anh em nhà Heinze nảy ra ý tưởng: nếu chính họ đang kiểm soát nguồn cung cổ phiếu, vậy tại sao lại không làm giá bằng cách bóp nghẹt nguồn cung (cornering)! Nếu Heinze mua hết cổ phiếu, thì các nhà đầu tư không lấy đâu ra cổ phiếu để trả nữa, khi đó anh em họ bắt đầu giết con mồi: cổ phiếu lúc đó hô giá nào người ta cũng phải mua!

Kế hoạch cụ thể như sau:

1. Để cho các nhà đầu tư liên tục mượn cổ phiếu để bán khống. Nguồn cho mượn cổ phiếu United Copper chủ yếu là từ các công ty môi giới của Heinze.

2. Heinze và cộng sự sẽ liên tục mua vào lượng cổ phiếu được bán khống.  Như vậy, Heinze cho nhà đầu tư mượn cổ phiếu của chính mình, sau đó lại tự mình mua lại các cổ phiếu đó.

3. Vào thời điểm thích hợp, thông báo đòi lại cổ phiếu đã cho mượn (call margin). Nếu Heinze không bán ra thì các nhà đầu tư mượn cổ phiếu bán khống sẽ không thể mua được đủ cổ phiếu để trả lại cho Heinze. Khi đó bán ra giá nào là tùy anh em nhà Heinze.

Kế hoạch này thành bại tất cả đều phụ thuộc vào việc Heinze có đủ lực để hạn chế nguồn cung hay không. Nếu bị lọt một lượng cổ phiếu ra ngoài, người bán khống sẽ có thể mua trả nợ, Heinze sẽ không thể làm giá được nữa và kế hoạch tiết cung sẽ thất bại.

2. Thực hiện ý tưởng

“Vua đồng” Heinze tìm được sự trợ giúp của “Vua băng” Charles W.Morse và người đứng đầu quỹ đầu tư Knickerbocker Charles T.Barney. Ngày 14/10/1907, 4 người này bắt đầu cho các công ty của mình đặt lệnh mua cổ phiếu United Copper giá cao để khuyến khích nhà đầu tư bán khống.

Đến thời điểm quyết định, 4 con cá mập nhả lệnh: do giá cổ phiếu United Copper lên quá cao, các công ty chứng khoán của Heinze buộc nhà đầu tư phải trả lại cổ phiếu đã mượn (call margin). Theo kế hoạch, lệnh call này sẽ làm tăng nhu cầu mua cổ phiếu Copper vì nhà đầu tư bị call margin sẽ phải mua cổ phiếu để trả bằng mọi giá. Giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng cao do cầu tăng cung giảm.

Tuy nhiên, Heinze đã tính sai. Sau khi lệnh call xuất hiện, thay vì bên bán trống không, thì một lượng khá nhiều cổ phiếu Copper lại được bán ra – và người bán không phải là Heinze. Có lẽ đã có một nhóm khác đang nắm rất nhiều cổ phiếu mà Heinze đã không phát hiện ra. Heinze cho rằng chính đồng minh trong liên minh làm giá của mình đã phản bội và bán lượng cổ phiếu ấy ra. Thời đó cũng chưa có hệ thống thông tin điện tử nên sổ cổ đông của công ty cũng như ở các công ty chứng khoán làm dịch vụ lưu kí không thể đồng bộ và cập nhật ngay lập tức. Tuy nhiên chính xác lí do là gì thì vẫn đang là bí ẩn.

Ở cuộc chơi lớn như thế này, một nước cờ sai là đã đủ để người chơi trả giá đắt: cổ phiếu Copper không bị tiết cung và không tăng như kỳ vọng. Khi lượng cổ phiếu xuất hiện ở bên bán, nó đã nhanh chóng thỏa mãn nhu cầu mua cổ phiếu của những nhà đầu tư bán khống trước đó. Đến lúc lượng cầu do bị call margin đã hết , giá bắt đầu điều chỉnh xuống đúng với thực trạng của công ty. giá xuống bên bán thắng thế, những nhà đầu tư đang muốn mua cổ phiếu trả nợ giờ không cần phải mua nữa và rút lệnh. Lượng cổ phiếu bán khống ra cũng bắt đầu xuất hiện trở lại. Cầu giảm, cung tăng, giá cổ phiếu Copper bị đạp xuống còn sâu hơn nữa.

3. Ai là người dính đòn

Lãnh đòn đầu tiên là công ty môi giới chứng khoán Gross & Kleeberg của Otto Heinze. Trước đó, để có vốn cho cú chơi lớn này, Gross & Kleeberg đã thế chấp cổ phiếu United Copper họ đang sở hữu để vay tiền mặt mua thêm. Tuy nhiên, khi giá cổ phiếu Copper giảm liên tục, giá trị khoản cổ phiếu thế chấp cũng lao dốc. Và kết quả là họ bắt đầu bị bán giải chấp. 2 ngày sau, Gross & Kleeberg bị buộc phải bán cổ phiếu Copper để trả nợ cho ngân hàng. Điều này làm lượng cung cổ phiếu càng tăng cao.

Thấy lực bán ra quá mạnh, các nhà đầu tư khác cũng không dám mua vào, làm giá lại càng giảm sâu.

Nạn nhân tiếp theo là các ngân hàng của F. Augustus Heinze và Morse. Họ đã dùng quá nhiều tiền để mua cổ phiếu và khi giá cổ phiếu xuống liên tục, các ngân hàng này bắt đầu mất dần thanh khoản và có khả năng không đủ tiền mặt trả nợ. Biết tin đó, người gửi tiền bắt đầu xếp hàng rút tiền tại tất cả các ngân hàng có dính líu tới Heinze và Morse. Tính thanh khoản vốn thấp nay lại càng thấp, Heinze và Morse sắp hết tiền mặt, bị buộc phải bán gấp các khoản đầu tư để có tiền trả người gửi và nhiều khả năng phải tuyên bố phá sản do không thể trả tiền mặt đúng hạn.

Việc một ngân hàng mất thanh khoản và không thể trả nợ là một bi kịch cho tất cả các ngân hàng còn lại, vì khi một ngân hàng đã không thể trả lại tiền gửi, thì người dân chắc chắn sẽ rút hết tiền đang gửi tại các ngân hàng khác để tự bảo vệ mình. Thấy được điều này, NewYork Clearing House – một tổ chức làm nhiệm vụ thanh toán bù trừ, hỗ trợ cho các ngân hàng NewYork lao vào cứu giúp.Về bản chất, lúc đó người dân chỉ rút tiền khỏi các ngân hàng của nhóm Heinze và gửi vào các ngân hàng khác. Họ vẫn tin hệ thống ngân hàng, họ chỉ không tin Heinze mà thôi. Do vậy, các ngân hàng chỉ việc cho ngân hàng của nhóm Heinze vay tiền để trả cho người gửi, tiền lại quay đúng 1 vòng tròn.

Sự hỗ trợ này tạm thời giải quyết được tình hình. Giá cổ phiếu cũng dần ổn định. Nhưng chuyện không dừng lại ở đó.

4. Kẻ kém may mắn

Cũng như 3 người Heinze và Morse, người gửi tiền cũng bắt đầu rút tiền tại Knickerbocker của Charles T. Barney. Hậu quả là Barney bị buộc phải từ chức. Là một quỹ đầu tư, Knickerbocker không đủ điều kiện làm thành viên của Clearing House. Họ cần 1 ngân hàng làm đại diện để nhận tiền của Clearing House, và đại diện lúc đó của họ là National Bank of Commerce của nhóm tài phiệt J.P.Morgan. Ngân hàng này sẽ phải chịu trách nhiệm thay nếu Knickerbocker không đủ khả năng trả nợ. Sau khi đánh giá tài sản của Knickerbocker, nhóm Morgan tuyên bố không hỗ trợ cho họ vì ngờ rằng Knickerbocker sẽ không đủ khả năng trả nợ. Động thái này ngay lập tức tác động tới các tổ chức tín dụng khác. Morgan là một người có tiếng nói cũng như tiềm lực tài chính mạnh, nếu tổ chức uy tín như của Morgan đã từ chối giúp đỡ, thì tại sao những người khác lại dám nhúng tay vào!

Ngày 22/10/1907, Knickerbocker đối diện với tình trạng rút tiền hàng loạt. Theo các nhà nghiên cứu Tallman & Moen, Knickerbocker đã phải trả lại 8 triệu Dollar tiền mặt cho người gửi trước khi tuyên bố mất thanh khoản , không thể trả lại tiền và đóng cửa.

Ngọn lửa âm ỉ bắt đầu bùng cháy.

5. Từ hệ thống ngân hàng đến thị trường chứng khoán

Niềm tin là thứ giúp xây nên cả hệ thống ngân hàng, nhưng cũng vì vậy, chỉ cần một cột trụ nhỏ lung lay, cả hệ thống cũng sẽ sụp đổ theo.

Kẻ kém may mắn tiếp theo là Trust Company of American sau khi một trong những quỹ lớn nhất New York là Knickerbocker lâm vào tình trạng không thể trả nợ. Vì để tránh đổ vỡ hàng loạt, Morgan đã tập trung hỗ trợ Trust Company. George Cortelyou – Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ- cũng tuyên bố sẽ rót 25 triệu Dollar vào các ngân hàng New York. Người giàu nhất thế giới lúc bấy giờ – John D. Rockefeller cũng đổ 10 triệu Dollar tiền túi để cứu giúp hệ thống ngân hàng. Cuộc chạy đua rút tiền có vẻ như đã kết thúc hoàn toàn.

Nhưng mọi chuyện không kết thúc dễ dàng như vậy. Lượng tiền mặt mà nhóm trên đổ vào tuy đủ cứu vớt các ngân hàng thoát khỏi tình trạng không đủ khả năng trả nợ, nhưng lại không thể hỗ trợ các hoạt động khác.

Vào giai đoạn này, tiền mặt đã bị rút ra khỏi hệ thống khá nhiều. Tiền rút khỏi ngân hàng, tiền rút khỏi quỹ, tiền rút khỏi cả thị trường chứng khoán. Cú đấm rút tiền đã làm cả hệ thống ngân hàng bị thương, do đó họ trở nên vô cùng cẩn thận. Lúc này ai cũng cố gắng giữ tiền mặt càng nhiều càng tốt, đồng nghĩa với việc hạn chế đầu tư và cho vay. Chính điều này đã tạo ra nạn nhân tiếp theo: thị trường chứng khoán.

Không có lực cầu từ các ngân hàng và công ty chứng khoán, giá cổ phiếu nhanh chóng sụt giảm. Ngày 24/10/1907, tức là chỉ 2 ngày sau khi Knickerbocker sụp đổ, Sàn giao dịch chứng khoán NewYork (NYSE) chứng kiến thảm họa: tất cả mọi người đều muốn bán ra, không ai mua. Và vì vậy, tất cả lượng chứng khoán thế chấp tiếp tục giảm giá trị. Số tài khoản bị call margin tăng vùn vụt. Và dĩ nhiên, kéo theo lượng cung tiếp tục tăng và giá chứng khoán càng bị đạp sâu thêm. Nếu không có lượng cầu bổ sung, thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ sụp đổ.

Chính phủ Mỹ tiếp tục chung tay với nhóm Morgan rót tiền vào thị trường. Tuy nhiên một cuộc khủng hoảng chẳng khác nào một vụ cháy nhà: khi một nhà vừa được dập tắt, nhà bên cạnh sẽ bùng cháy. Hàng loạt tin xấu đến với Morgan và các đồng nghiệp:

> Hàng loạt công ty chứng khoán sẽ ngưng hoạt động vì không còn tiền mặt.

> Thành phố NewYork sẽ phá sản vì trái phiếu thường kỳ không thể phát hành để thu tiền về tài trợ cho hoạt động của thành phố do không còn người mua.

> Hàng loạt công ty chứng khoán đang vay thế chấp bằng chứng khoán sẽ bị bán giải chấp và dĩ nhiên là phá sản.

Đứng trước nguy cơ này, J.P.Morgan triệu tập 120 đại diện ngân hàng và quỹ để cứu lấy cả hệ thống tài chính Mỹ.

Ngay ngày hôm sau, chủ nhật ngày 3/11/1907, Morgan quyết định dùng công ty của mình là U. S. Steel – công ty sản xuất thép lớn nhất Hoa Kỳ – thâu tóm TC&I – Công ty sản xuất thép lớn thứ 2 Hoa Kỳ, cứu vớt lấy hệ thống tài chính Mỹ.

Tuy lúc này U. S. Steel đã chiếm 60% thị trường ngành thép, và chuyện thâu tóm TC&I sẽ trái đạo luật cạnh tranh Sherman Act, nhưng tổng thống bấy giờ Theodore Roosevelt vẫn phê duyệt để tránh mọi chuyện đi xa hơn.

3 ngày sau đó, cuộc thâu tóm hoàn tất, niềm tin dần trở lại, kết thúc 1 tháng khủng hoảng tưởng chừng không thể cứu vớt. Cả thành phố NewYork gọi tên người anh hùng J. P. Morgan.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa anh hùng và tội đồ lại rất mong manh…

6. Hạ màn

Sau khi cứu cả thành phố NewYork, Morgan nắm trong tay hàng loạt ngân hàng đầu tư, ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và nhiều tập đoàn công nghiệp lớn. Hầu như toàn bộ nền kinh tế đều nằm trong tay ông.

Hơn 4 năm sau, năm 1912, tiểu ban Pujo được thành lập để điều tra hoạt động thao túng nền kinh tế của liên minh Money Trust – Liên minh của Morgan và các ngân hàng đồng mưu. Năm 1913, sau một thời gian bị điều tra liên tục, Morgan bệnh và qua đời.

F. Autgustus Heinze mất không lâu sau đó (1914). Otto Heinze số phận không rõ ràng. Riêng Morse nhận án 15 năm tại Atlanta và trở thành người truyền cảm hứng cho một “Charles” nổi tiếng không kém khác – Charles Ponzi –  tay lừa đảo nổi tiếng với mô hình Ponzi đã đánh sập 6 ngân hàng ở Boston vào năm 1920. Charles T. Barney thì tự sát ngay sau khi khủng hoảng được dẹp yên (13/11/1907).

nguồn Infless --- https://infless.vn/thao-tung-chung-khoan-va-cai-ket-dang-dai-khung-hoang-1907.html/

Blog Chứng khoán - AtoZstock " Giá cổ phiếu tăng hay giảm phụ thuộc vào sự thay đổi nhận thức của thị trường về lợi nhuận của cổ phiếu trong tương lai và mức độ tin tưởng vào khả năng đạt được doanh thu đó của các nhà đầu tư " - Chiến Lược Đầu Tư Chứng Khoán

THAM GIA TRANH TOP BÌNH LUẬN NGAY!

Một số lưu ý khi bình luận

Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước (xem nội quy).

Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời.

Bạn có thể dùng ảnh động hoặc mã hóa code HTML để bình luận.